6 làng nghề truyền thống hấp dẫn ở Hưng Yên


Với khá nhiều di tích và lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm nét văn hóa, phong tục Việt, Hưng Yên đang dần trở thành một địa chỉ hấp dẫn du khách. Làng nghề truyền thống nơi đây cũng hấp dẫn với nhiều nét riêng lôi cuốn.Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu và khám phá 6 làng nghề truyền thống hấp dẫn ở Hưng Yên

1. Làng nghề Hương xạ Cao thôn
Làng hương Cao Thôn thuộc xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, là một trong những làng nghề làm hương lớn nhất cả nước. Đến làng hương thôn Cao, khắp mọi nẻo đường đều trải dài những loại hương đủ màu với mùi thơm rất đặc trưng.

làng nghề hưng yên

Những bó tăm hương màu đỏ tươi xòe ra như những đóa hoa đang phơi mình đón nắng.Nơi đây được xem là cái nôi của nghề làm hương truyền thống lâu đời ở Việt Nam.  Hương ở làng nghề thôn Cao làm hoàn toàn từ thảo mộc như cây hoa ngâu, thảo quả, lá hương, củ địa liền, có mùi thơm đặc biệt mà không làng hương nào trên cả nước có được chính là nhờ vào “bí mật gia truyền”. Mỗi dòng họ hay mỗi gia đình ở Cao Thôn lại có một bài thuốc thảo mộc riêng, làm nên mùi hương đặc trưng riêng của mỗi thương hiệu hương. Hương Cao Thôn chủ yếu có ba loại là hương vòng, hương nén và hương sào. Ngoài ra còn có hương quế, hương đen…Những năm gần đây, Thôn Cao còn là một trong địa chỉ đỏ trong hành trình du lịch tỉnh Hưng Yên của du khách gần xa.

2. Làng nghề làm mành thôn Đa Quang
Thôn Đa Quang, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên có nghề truyền thống làm mành tre từ hàng trăm năm nay.Làm mành là nghề thủ công, mọi công đoạn từ cưa nứa, chẻ nan, đan mành đều cần đến đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ.

làng nghề ở Hưng Yên

Nứa để làm mành phải chọn cây nứa già, gióng dài, có như vậy mành mới bền. Mành có đẹp, nan có đều hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào đôi bàn tay vừa khoẻ, vừa khéo của người chẻ nan. Sau khi được tuyển chọn, cây nứa được cắt ra từng đoạn theo kích cỡ từng loại mành, pha ra từng mảnh rồi chẻ thành từng nan. Đan mành là công đoạn cuối cùng, từ trẻ nhỏ đến người già ai cũng có thể làm được, quan trọng là thao tác phải nhanh. Để mành bền và đẹp hơn sau khi thành phẩm ta có thể phun thêm một lớp sơn. Đối với người dân làng Cuông, việc làm mành không những đem lại thu nhập ổn định cho dân làng trong những lúc nông nhàn mà còn là niềm vui, là những phút giây thư giãn quý giá của họ. Đôi bàn tay khéo léo của những “nghệ nhân vót nan” đã biến những cây tre làng chắc chắn, gai góc thành những chiếc nan mành mảnh dẻ, nuột nà để tạo nên những chiếc mành đậm đà bản sắc văn hóa Việt

3. Làng nghề Chạm bạc Huệ Lai
Thôn Huệ Lai thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi ( Hưng Yên ) là một làng nghề kim hoàn đã được hình thành và phát triển gần 20 năm. Làng Phù Ủng còn là nơi gìn giữ và phát triển nghề truyền thống chạm bạc, đó là làng nghề chạm bạc Huệ Lai.

làng nghề huệ lai

Đến với làng nghề bạn sẽ được trải nghiệm các công đoạn làm ra những sản phẩm trang sức vô cùng độc đáo và tinh xảo. người thợ nơi đây với sự kiên trì cùng nhẫn nại trong từng công đoạn mới có thể cho ra những sản phẩm đẹp và tinh xảo.Vì vậy các sản phẩm từ làng nghề trang sức Huệ Lai luôn có tiếng và lan rộng khắp cả nước. Đến đây bạn được chiêm ngưỡng quần thể di tích đền Phù Ủng uy nghi, nghe kể về những giai thoại và những chiến công hiển hách của ngài.

Xem thêm : 7 món ngon và đặc sản ở Hưng Yên

4. Làng nghề mộc mỹ nghệ xã Hòa Phong, Mỹ Hào
Xã Hòa Phong (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) nổi tiếng với nghề mộc đã khẳng định được uy tín ở thị trường trong và ngoài nước. Làng nghề mộc mỹ nghệ xã Hòa Phong hiện có 7/7 làng nghề mộc mỹ mghệ và dân dụng, với 1.700 hộ dân làm nghề. Tập trung nhiều nhất ở thôn thôn Vân Dương với gần 430 hộ,  thôn Hòa Đam với gần 280 hộ.

nghề mộc hưng yên

 Điều đặc biệt là mỗi làng của xã Hòa Phong đều phát triển nghề mộc theo một thế mạnh riêng của mình như: làng Phúc Thọ với nghề mộc dân dụng, làng Phúc Miếu chuyên chạm khắc đồ gỗ mỹ nghệ, đồ thờ và các chi tiết, hoa văn ở các công trình…Sản phẩm mộc ở đây rất đa dạng, tập trung ở các nhóm hàng salon Âu, Á, chạm khắc cây cảnh, con giống và các đồ gia dụng. Đặc biệt, những năm gần đây sản phẩm mộc của xã Hòa Phong được nâng cao, có uy tín trên thị trường nên được nhiều khách hàng ngoài tỉnh và nước ngoài đến đặt mua.

5. Làng nghề Đúc Đồng Lộng Thượng
Làng đúc đồng Lộng Thượng (hay còn gọi làng Rồng thuộc Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) là một làng nghề từng nổi tiếng hưng thịnh một thời. Ngày nay, làng đúc đồng Lộng Thượng đã được mở rộng sản xuất và phân công hóa ngành nghề, đã thành lập các cơ sở sản xuất riêng từng loại mặt hàng như: xưởng làm mâm, xưởng làm chậu, xưởng đúc đồ thờ cúng…

làng nghề lộc thượng

Nhờ có sự tổ chức hoàn chỉnh, làng nhanh chóng phát triển. Một sản phẩm bằng đồng được làm ra là sự kết tinh tâm huyết và tài năng của người nghệ nhân. Không chỉ đòi hỏi kĩ thuật, nghề đúc đồng còn đòi hỏi sự tỉ mẩn, tinh xảo, kiên nhẫn và say mê với nghề thì mới cho ra được một sản phẩm hoàn mỹ. Lớp nghệ nhân trẻ tuổi tại làng nghề đang phát huy tinh hoa của thế hệ cha ông đi trước áp dụng phương pháp mới trong sản xuất để tạo ra sản phẩm không những giữ được dáng vẻ truyền thống, mà còn sắc sảo hơn. Từ bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa trong làng, những sản phẩm ấy đã góp phần tạo nét đẹp văn hóa làng quê độc đáo.

6. Làng nghề long nhãn sấy Phương Chiểu
Xã Phương Chiểu thành phố Hưng Yên được xem là “cái nôi” của nghề chế biến long nhãn sấy, có những gia đình đã gắn bó với nghề này hơn 40 năm nay. Để có một mẻ long nhãn thơm ngon thì rất công phu và mất nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo của người làm nghề. Các công đoạn hái quả, xoáy nhãn và sấy nhiệt đều được làm thủ công. Nhãn dùng làm long chủ yếu là nhãn lồng, nhãn hương chi… có cùi dày, thơm, ngọt.

làng nghề hưng yên

Nhãn quả tươi sau khi thu hoạch sẽ được tách lấy cùi và loại bỏ hạt, vỏ, xếp cẩn thận vào phên lưới rồi đưa vào lò sấy. Để cho ra sản phẩm long nhãn chất lượng, sấy long là công đoạn quan trọng nhất. Nhiệt độ lò sấy lúc đầu cao, sau đó giảm dần trong giai đoạn ủ long nhãn, thời gian sấy kéo dài 1 ngày 1 đêm đến khi cùi nhãn se lại, đượm vàng là đạt yêu cầu. Để bảo quản long nhãn trong thời gian dài, long nhãn sau khi chế biến phải được bọc kín bằng túi ni lon, tránh tiếp xúc với không khí để không bị ẩm, mốc. Từ long nhãn, người ta có thể chế biến ra khá nhiều món ăn ngon hay những bài thuốc có công dụng: chữa suy nhược cơ thể, thiếu máu…

 


Bài viết liên quan