Top 6 làng nghề truyền thống ở Cao Bằng


Cao Bằng có tiềm năng du lịch phong phú hấp dẫn, với nhiều danh thắng đẹp, bên cạnh đó còn có các làng nghề truyền thống đã có từ rất lâu với nhiều nét đặc trưng riêng, được duy trì và phát triển. Hãy cùng chúng tôi khám phá 6 làng nghề truyền thống ở Cao Bằng hấp dẫn độc đáo.

1. Làng rèn Phúc Sen
Làng rèn Phúc Sen thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Yên, tỉnh Cao Bằng. Làng rèn Phúc Sen là 1 làng nghề truyền thống, có cách đây khoảng 1000 năm. Phúc Sen là 1 vùng sơn cước.

 làng rèn phúc sen Cao Bằng

Bước chân vào làng ở đâu cũng thấy lò rèn. Sản phầm rèn của làng làm ra là các công cụ cầm tay chất lượng cao phục vụ đời sống hàng ngày. Những công cụ bằng sắt thép được tạo nên ở đây chỉ sử dụng các lò rèn thủ công, bằng mắt, bằng đôi bàn tay cùng kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Người thợ rèn có thể xác định được độ chín của sản phẩm trong lò than để kịp đem nhúng vào chậu nước bên cạnh bể thụt hơi. Chỉ như vậy mà những con dao quắm, cái rìu, cái kéo đều đạt độ cứng, độ dẻo cần thiết với công dụng của nó.

2. Làng nghề làm đường phên Phục Hòa
Xóm Bó Tờ được biết đến là cái nôi của làng nghề truyền thống mía đường, làng nghề có từ những năm 50 của thế kỷ trước. Phục Hòa là một trong những huyện có diện tích trồng mía lớn nhất tỉnh Cao Bằng.

làng nghề đường phên Phúc Hòa, Cao Bằng

Từ cây mía, người dân địa phương đã sáng tạo ra một loại đặc sản, đó là đường phên. Hàng năm vào thời điểm tháng 11 bà con nhân dân ở đây sau mỗi vụ mùa thu hoạch lại tiến hành làm những mẻ đường phên ngọt lành mang tinh túy của những cây mía tươi tốt. Đường phên Hòa Thuận có màu vàng óng, hương vị thơm, ngọt đậm đà không nơi nào có được.

3. Làng nghề làm miến dong huyện Nguyên Bình
Nghề làm miến ở Nguyên Bình không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng đến khoảng những năm 80 của thế kỷ trước thì phát triển mạnh, nhiều gia đình từ làm nông chuyển sang làm miến.

Làng nghề làm miến dong huyện Nguyên Bình

Nằm ở độ cao trên 1.000m, xóm Phia Đén có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm là 20 độ C cùng nguồn thổ nhưỡng đất đồi rừng, thuận lợi cho cây dong riềng sinh trưởng và phát triển. Loại cây này là chính là nguyên liệu làm nên đặc sản miến dong Phia Đén Cao Bằng.  Không giống miến ở các vùng khác, miến dong Phia Đén Cao Bằng được làm từ 100% tinh bột dong giềng, với kỹ thuật và bàn tay khéo léo từ lâu đời của người làm nghề mà miến này có thể nấu đi nấu lại mà sợi không hề nát. Sợi miến Phia Đén có màu hơi đen hoặc trắng ngà, đây là màu sắc tự nhiên của bột khi làm chín mà không qua bất cứ công đoạn tẩy trắng hay sử dụng phẩm màu nào.Sản phẩm miến dong Phja Đén (Nguyên Bình) đã trở thành một thương hiệu được nhiều người biết đến.

Tham khảo 7 điểm du lịch hấp dẫn nhất Cao Bằng

4. Làng nghề dệt thổ cẩm Lũng Nọi
Làng nghề dệt thổ cẩm Lũng Nọi, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng- từ lâu đã có nghề , thổ cẩm là sản phẩm dệt thủ công không thể thiếu trong đời sống của người Tày, Thổ cẩm của người Tày rất nổi tiếng với những hoa văn đẹp mắt, sặc sỡ, mang đậm bản sắc dân tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Làng nghề dệt thổ cẩm Lũng Nọi, Cao Bằng

Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu. Trên tấm thổ cẩm của người Tày thường có 6 màu chủ đạo, gồm: xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen. Từ các màu chủ đạo đó, người dệt đã pha chế các gam màu đậm, nhạt phù hợp theo ý tưởng cho từng sản phẩm. Cách bố cục họa tiết trên thổ cẩm rất đa dạng tạo nên những tấm thổ cẩm có hình dạng vô cùng đặc sắc. Các họa tiết thường được người Tày đưa vào thổ cẩm là những hình ảnh của những loài hoa, chim muông, thú quý…, thân thiện với đời sống, hòa quyện cùng mây trời, non nước thường ngày. Đây là nét riêng tạo nên thổ cẩm của người Tày Cao Bằng không thể lẫn được với thổ cẩm của người Tày ở những địa phương khác.

5. Làng sản xuất hương Phia Thắp
Phia Thắp là một xóm nhỏ có 51 hộ dân tộc Nùng, ở xã vùng 3 Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, ngoài làm nông nghiệp, người dân nơi đây luôn giữ gìn và phát huy nghề truyền thống làm hương có từ lâu đời.

làng hương Phia Thắp, Cao Bằng

Hương Phia Thắp hoàn toàn không dùng hóa chất, bà con vào rừng hái lá cây bầu hắt mọc tự nhiên bên những vách đá, đem về phơi khô, tán nhỏ và dùng làm chất keo kết dính tự nhiên giữa các loại bột với que hương. Chân hương được làm từ tre mạy mười có dóng dài hoặc cây mai, vừa thẳng, vừa dẻo lại dễ bắt lửa. Gỗ thông mục được nghiền nát thành bột để tạo màu…
Nhiều khách du lịch đến với làng Phia Thắp đều được người dân bản địa cho trải nghiệm việc làm hương. Làm hương không chỉ đem lại thu nhập cho người dân làng Phia Thắp, nó còn góp phần bảo tồn một nghề truyền thống của người Nùng An – một nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc

6. Làng nghề làm giấy bản của người Nùng An
Giấy bản tiếng Nùng còn gọi là chỉa sla. Cóm Lũng Ỏ, xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) được nhiều người biết đến bởi nghề làm giấy bản. Đây là nghề có từ lâu đời.Đối với bà con vùng cao, giấy bản được dùng chủ yếu cho đời sống tâm linh, thường được dùng vào dịp cúng lễ, nhất là dịp Tết hằng năm.

làng giấy bản người Nùng An, Cao Bằng

Để làm ra tờ giấy bản phải tốn nhiều thời gian, công sức, trải qua nhiều công đoạn. Từ khâu lên rừng tước vỏ mạy sla đem về cho vào nồi lớn đun sôi trong khoảng 2 giờ, vớt ra để nguội, tước sạch lớp vỏ đen bên ngoài (chỉ lấy lớp trắng bên trong), rồi phơi khô. Sau đó gom lại đem vào nồi đun lần thứ hai khoảng 2 giờ rồi vớt ra, lấy dây buộc thành từng bó to như bắp tay đem ra ngoài mương nước ngâm 1 ngày, rồi vớt lên vò rũ hết phần nhựa còn dính lại đem về nhà dùng cây đòn, chày đập cho nát nhừ, cho xuống bể đã đổ sẵn nước.
Tiếp đó dùng một thanh gỗ khuấy đều khi chỉ còn sót lại lớp xơ vỏ cây thì vớt lên, một lớp giấy còn ướt hiện hình trên khung. Đem giấy bản còn ướt lên sàn nhà, hai tay nhẹ nhàng gỡ từng tờ giấy bản dán lên bức vách gỗ trước cửa nhà chuyển sang công đoạn làm khô giấy.
Giấy bản có màu vàng nhạt, dai, thoang thoảng mùi thơm. Ngoài dùng để cắt giấy tiền, vàng hương, giấy bản còn dùng để dán bàn thờ, trang trí trong nhà, dùng để viết chữ Nho, chữ Hán, bởi giấy dai và thấm mực, chữ viết trên giấy bản không phai.  Nghề làm giấy bản đang được người Nùng An bảo tồn và phát huy đem lại thu nhập ổn định.
 


Bài viết liên quan