Các chuyên gia về vệ tinh cho biết, vệ tinh do thám đầu tiên của Triều Tiên – Malligyong-1 đã bất ngờ thay đổi quỹ đạo sau hơn 3 tháng kể từ khi đi vào hoạt động. Đây cũng là bằng chứng mới nhất cho thấy Triều Tiên vẫn đang vận hành tốt vệ tinh này.
Sau hai lần phóng thất bại trước đó, Triều Tiên phóng thành công vệ tinh Malligyong-1 lên quỹ đạo vào tháng 11/2023. Ngay sau đó Bình Nhưỡng đã cho công bố các bức ảnh do vệ tinh do thám này chụp về những vị trí “nhạy cảm” ở Hàn Quốc, Mỹ và một số căn cứ ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, các hệ thống giám sát không gian của phương Tây lại không ghi nhận hoạt động của Malligyong-1 sau đó nên các chuyên gia nghi ngờ vệ tinh này không hoạt động.
Marco Langbroek, chuyên gia về vệ tinh tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan cho biết: “Sự thay đổi quỹ đạo của Malligyong-1 cho thấy nó vẫn đang hoạt động”.
Cũng theo Langbroek, từ ngày 19/2 đến 24/2, Triều Tiên đã điều khiển nâng quỹ đạo của Malligyong-1 từ 488km lên 497km. Thông tin này cũng được cơ quan không gian của Mỹ xác nhận.
“Hoạt động này chứng minh rằng Malligyong-1 vẫn hoạt động và Triều Tiên đang vận hành vệ tinh này” , Langbroek ông nói.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ cũng đã đánh giá vệ tinh này đang ở trên quỹ đạo nhưng sẽ không bình luận thêm về việc Malligyong-1 có hoạt động như vệ tinh do thám hay không.
Trước đó, 26/2, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết vệ tinh Triều Tiên không có dấu hiệu thực hiện các nhiệm vụ do thám không gián và các hoạt động khác.
Tuy nhiên theo ông Langbroek, dù không có bằng chứng chính xác về việc Malligyong-1 hoạt động do thám không nhưng việc vệ tinh này có thể thay đổi quỹ đạo bay vẫn được xem là bước tiến lớn đối với chương trình vệ tinh của Triều Tiên.
Các chuyên gia vệ tinh cho biết, họ bất ngờ trước việc Malligyong-1 được trang bị hệ thống động lực đẩy, hầu hết các vệ tinh của Triều Tiên trước đây đều không được tích hợp hệ thống này.
“Việc thay đổi quỹ đạo bay của vệ tinh là một vấn đề lớn, không phải quốc gia nào cũng làm được” , ông Langbroek nói.
Điều đó có nghĩa là miễn là vệ tinh còn nhiên liệu, Triều Tiên có thể kéo dài nhiệm vụ của vệ tinh trên quỹ đạo bằng cách nâng cao độ cao khi nó rơi dần khỏi quỹ đạo.
Nhà thiên văn học và người theo dõi quỹ đạo của Đại học Harvard Jonathan McDowell cho biết, vệ tinh Triều Tiên dường như đang điều chỉnh vị trí trong không gian khi nó di chuyển đến vị trí ngay sau khi phóng. Ông cũng cho rằng khó có khả năng Malligyong-1 tạo ra mối đe dọa cho các vệ tinh khác vì nó quá nhỏ.
Mỹ, Nga và Trung Quốc là những cường quốc không gian hàng đầu thế giới, trong những năm gần đây đã phóng các vệ tinh có khả năng thay đổi quỹ đạo bay trong không gian hay thực hiện việc tiếp cận các vệ tinh và vật thể ngoài không gian trong mục đích quân sự.
Dù vậy trong thương mại việc các công ty hoặc quốc gia thay đổi quỹ đạo bay của vệ tinh là điều khá phổ biến. Hoạt động này diễn ra với nhiều lý do như tránh các vệ tinh khác hoặc các mảnh thiên thạch.
Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ hiện chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này dù cơ quan có khả năng theo dõi tất cả các vật thể đang hoạt động trên quỹ đạo cũng như đánh giá chức năng của chúng.
Theo Reuters, Triều Tiên dự kiến sẽ phóng thêm ba vệ tinh do thám mới lên quỹ đạo vào năm 2024.