Phố cổ Hội An là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp cổ kính trầm mặc với những ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc cổ, những bảo tàng còn lưu giữ nhiều hiện vật mang đậm dấu ấn Hội An xưa…
Xem thêm:
- Du lịch Đà Nẵng – Hội An – Huế 4 ngày
- Du lịch Đà Nẵng – Hội An – Huế – Động Thiên Đường 4 ngày
Lịch sử về Phố cổ Hội An
Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm bên Cửa Đại, hạ lưu con sông Thu Bồn. Từ thế kỷ 16, 17, nhờ vào những yếu tố thuận lợi về địa lý và khí hậu, nơi đây đã nổi tiếng là thương cảng quốc tế sầm uất ở Đông Nam Á với tên gọi Faifoo và rất quen thuộc với các thương gia Nhật Bản, Indonesia, Trung Quốc, Bồ Đào Nha… Từ thế kỉ 19, do sự bồi lắng của cửa sông nên đường thủy không còn thuận tiện, cùng với đó là thời kì chiến tranh kéo dài liên miên, Hội An may mắn không bị tàn phá nhưng cũng không còn là thương cảng lớn như trước đó. Sau đó là quá trình đô thị hóa ào ạt cuối thế kỉ 20, nhưng Hội An không bị phai mờ, trở thành điểm đến vô cùng hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước cho đến tận hôm nay.
Tháng 12-1999, Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn Hóa Thế giới, trở thành niềm tự hào của Việt Nam. Di tích Hội An bao gồm chùa cầu, các nhà cổ, các Hội quán, bảo tàng, nhà thờ… hầu hết xây dựng vào thế kỷ 19, 20. Các ngôi nhà cổ ở đây được xây dựng theo lối nhà ống có mặt tiền hẹp, có khi thông hai phố, chiều cao không quá 2 tầng, tường bao bọc bằng gạch, phía trong là ván gỗ. Kiến trúc các công trình đều có dạng dốc, lợp ngói âm dương, kiểu dáng và trang trí nội thất bảo tồn phong cách cổ của cư dân người Việt, ảnh hưởng từ Nhật và người Hoa. Không chỉ lưu giữ được những những di sản vật thể, ở Hội An còn bảo tồn, lưu giữ được lối sống, sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, ẩm thực… Tất cả những yếu tố này tạo nên một Phố cổ Hội An cổ kính trầm mặc mà vô cùng hấp dẫn!
Các địa điểm tham quan nổi tiếng ở Hội An
Phố cổ Hội An tuy nhỏ nhưng có rất nhiều địa điểm tham quan. Nếu bạn muốn khám phá kiến trúc cổ độc đáo cùng những nét văn hóa truyền thống lâu đời còn lưu giữ lại ở mảnh đất này thì đừng bỏ lỡ những địa điểm sau nhé!
Chùa Cầu
Chùa Cầu là là biểu tượng của Phố cổ, là viên ngọc giữa lòng thị xã, là nơi bạn nhất định phải ghé qua khi tham quan Phố cổ Hội An. Cầu được xây dựng vào cuối thế kỷ 16, nằm bắc ngang con lạch chảy ra sông Thu Bồn, giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú, lúc đầu cầu được gọi là cầu Nhật Bản. Đến năm 1719, khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên đi ngang đây, ông đã đặt cho cầu ba chữ Lai Viễn Kiều. Cầu có mái che khá độc đáo cùng các kết cấu, họa tiết trang trí mang dấu ấn phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật, và cả phương Tây. Ở giữa cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại Đế.
Các Hội quán ở Phố cổ Hội An
Ở Hội An nổi tiếng với 3 Hội quán: Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông.
Hội quán Triều Châu được xây dựng năm 1845 bởi Hoa Kiều Bang Triều để thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện. Đây là công trình có kết cấu bằng gỗ, trên khung gỗ có những nét trạm trổ khá tinh tế và họa tiết rất sắc nét. Bên cạnh đó, nghệ thuật đắp nổi hoa văn họa tiết bằng sành sứ giúp tăng thêm vẻ đẹp và tính nghệ thuật cho công trình.
Hội quán Quảng Đông được Hoa Kiều Quảng Đông xây dựng vào năm 1885, lúc đầu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền. Hội quán Quảng Đông Hội An có kiến trúc khá đẹp bởi sự kết hợp hài hòa các chất liệu gỗ, đá và trang trí rất tinh tế. Đây là một công trình khép kín, có cổng tam quan, có sân rộng để trưng cây cảnh tạo sự xanh mát cho không gian trong Hội quán. Vào trong là phương đình, nhà đông, nhà tây, sân trời cùng chính điện…
Hội quán Phúc Kiến nằm ở vị trí 46 Trần Phú, được xây dựng từ năm 1690 bởi Hoa kiều người Phúc Kiến. Trước kia nó được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, nhưng đến năm 1757 Hội quán này được xây dựng lại bằng gạch và mái ngói như bây giờ. So với các Hội Quán khác ở Hội An thì Phúc Kiến có không gian rộng và sâu nhất, với lối kiến trúc xưa kiểu Trung Hoa cùng với nhiều bức chạm lộng, chạm nổi hoa lá, điểu thú rất sinh động.
Các bảo tàng Hội An
Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh Hội An tại số 149 đường Trần Phú được xem là bảo tàng có bộ sưu tập độc đáo và phong phú bậc nhất ở Việt Nam với trên 1000 hiện vật liên quan đến cư dân cổ của hệ văn hóa Sa Huỳnh, có niên đại cách nay 2000 năm. Ngoài các hiện vật, còn có hệ thống tài liệu, ảnh chụp,…làm minh chứng rõ ràng ví trí của chúng trong lòng đất, tạo nên những di chỉ khảo cổ rất rõ ràng và đáng tin cậy. Qua những di chỉ khảo cổ cũng như các tư liệu này, du khách có thể hiểu hơn về đời sống của cư dân cổ, về tục táng tục, quan niệm sống chết, nhận thức thẩm mỹ, mối quan hệ giao lưu… của họ trên đất Hội An xưa.
Bảo tàng gốm sứ mậu dịch Hội An nằm trên đường 88 Trần Phú, là một căn nhà cổ đẹp được trùng tu với sự đóng góp của đại học Chiêu Hoà, Nhật Bản. Hiện nơi đây trưng bày 368 hiện vật có niên đại từ thế kỷ IX -X đến thế kỷ XIX, các hiện vật này được tìm thấy tại các điểm khảo cổ ở Hội An. Những hiện vật này đã phản ánh sinh động về con đường gốm sứ mậu dịch trên biển vào các thế kỷ trước, khi Hội An còn là tụ điểm giao lưu thương mại sầm uất trên biển của các thương thuyền Đông-Tây-Á-Âu.
Bảo tàng lịch sử văn hóa Hội An tại số 10B, đường Trần Hưng Đạo là nơi trưng bày những hiện vật khảo cổ được phát hiện dưới lòng sông, lòng biển, trên mặt đất, cả trong lòng phố cổ và vùng ngoại ô. Các hiện vật này đã minh chứng sinh động cho lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Hội An, đặc biệt là vai trò Hội An – trung tâm thương cảng mậu dịch quốc tế ở Đàng Trong Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á được thể hiện rõ thông qua các hiện vật khảo cổ có niên đại từ cuối thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX.
Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An nằm tại số 33 Nguyễn Thái Học, là ngôi nhà cổ lớn nhất trong Đô thị cổ Hội An. Nhà gồm 2 tầng: tầng 1 là nơi diễn ra các hoạt động trình diễn minh hoạ cho những giá trị dân gian; tầng 2 trưng bày 490 hiện vật, giới thiệu về Nghệ thuật tạo hình dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân gian, ngành nghề truyền thống và sinh hoạt dân gian củ Hội An. Qua đây, du khách có thể thấy được bề dày truyền thống văn hoá, sự sáng tạo, những đóng góp của các thế hệ cư dân địa phương trong quá trình xây dựng phát triển vùng đất Hội An này.
Đền thờ họ Trần
Tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 1500 m2, bao quanh bởi tường cao và cây cối xanh tươi, đền thờ do một vị quan họ Trần xây dựng năm 1802 dựa theo những nguyên tắc phong thuỷ truyền thống của người Trung Hoa và người Việt. Vào đây, du khách có thể thấy hình thể kiến trúc cổ trong nhà thờ tộc của người Việt xưa còn được lưu giữ nguyên vẹn, bên cạnh đó bạn cũng sẽ thấy phảng phất phong cách kiến trúc Nhật Bản và Trung Hoa trong tổng thể đền thờ họ Trần. Ngôi đền chia làm 2 phần: phần chính để thờ cúng và phần phụ bên cạnh để vị trưởng tộc cũng như khách ở.
Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
Xưởng thủ công mỹ nghệ ở số 9 đường Nguyễn Thái Học Hội An là nơi trưng bày giới thiệu 12 ngành nghề thủ công truyền thống đã có từ lâu đời của Hội An như gốm mỹ nghệ, lồng đèn nghệ thuật, mộc, đan lát mây tre, chạm khảm gỗ, sơn mài, quay xa dệt vải, thêu thùa, chằm nón, … Vào đây tham quan, ngoài được tận hưởng khung cảnh nên thơ bình dị vốn có của làng quê Việt, du khách còn được tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất tạo ra các sản phẩm tinh xảo từ đôi bàn tay khéo léo và kỹ năng tuyệt vời của các nghệ nhân. Du khách cũng có cơ hội tự tay tạo ra các sản phầm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân và sau đó mua một vài sản phẩm về làm kỷ niệm trong chuyến tham quan Hội An.
Các nhà cổ Hội An
Nhà cổ Phùng Hưng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai có tuổi thọ hơn 100 năm. Kết cấu của nhà cổ Phùng Hưng rất độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh, thể hiện kiến trúc tổng hợp của ba trường phái kiến trúc: Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc. Đây cũng là nơi chứng kiến sự ra đời của tám thế hệ của gia đình Phùng Hưng. Nếu tham quan Phố cổ Hội An, đừng quên ghé qua đây nhé!
Nhà cổ Tấn Ký được xây dựng cách đây gần 200 năm, kiến trúc mang đậm dấu ấn đặc trưng ở Phố cổ Hội An với nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng. Mặt tiền nhà là nơi để mở cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông với bến sông để làm nơi xuất nhập hàng hóa. Nhà được xây dựng bởi những loại vật liệu truyền thống và được tạo tác bởi những thợ mộc, thợ nề địa phương, vừa mang dáng nét riêng, nhỏ nhắn, thanh thoát, ấm cúng, vừa thể hiện sự giao lưu với các phong cách kiến trúc trong khu vực.
Nhà cổ Quân Thắng tọa lạc ở 101 Nguyễn Thái Học, được xem là một trong những nhà cổ đẹp nhất Hội An hiện nay. Nhà có niên đại hơn 150 năm, mang phong cách kiến trúc vùng Hoa Hạ Trung Hoa, và hiện nay vẫn bảo tồn khá nguyên trạng về kiểu dáng kiến trúc và các bài trí nội thất trong nhà xưa của các thế hệ chủ nhân, những người thuộc tầng lớp thương gia ở thương cảng Hội An trước đây. Toàn bộ phần kiến trúc và điêu khắc gỗ rất sinh động, tinh tế của ngôi nhà này đều do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện.
Cùng Du lịch Chào Việt Nam đến Phố cổ Hội An để khám phá nét cổ kính trầm mặc ở vùng đất này nhé!