“Mình nhớ trong một buổi tập kiểm soát bóng, đối kháng hai đội với nhau, mình có làm một động tác đánh gót. Đó là tình huống chuyền bóng bằng gót chân cho đồng đội rất đẹp, nhưng mình vẫn bị nói là phải chơi đơn giản thôi”, Xuân Trường tiết lộ ở tập 6 XT6 Podcast, series Lương Xuân Trường – The Story mới đây.
Anh kể tiếp: “Có một lần khác, Văn Thanh sử dụng kỹ thuật Rabona, xong cũng bị HLV Miura quát cho căng thẳng luôn. Mặc dù những tình huống bóng ấy đều tốt, nhưng ông Miura không thích việc các cầu thủ xử lý rườm rà.
Hãy xử lý đơn giản, chân phương nhất có thể. Chỉ có một vài cầu thủ được ưu tiên sử dụng nhiều những động tác kỹ thuật, một trong số đó là Công Phượng”.
Ở tập podcast lần này, Xuân Trường tiếp tục có những chia sẻ về thời gian làm việc cùng HLV Toshiya Miura tại U23 Việt Nam. Đó là thời điểm cuối năm 2015 khi anh được triệu tập để chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2016.
Ban đầu, Xuân Trường không được HLV Miura triệu tập. Tuy nhiên sau đó khi vừa mới tới Sapa để du lịch, tiền vệ này nhận được thông báo bổ sung lên tuyển, thay thế cho Lâm Ti Phông bị chấn thương.
“Có nhiều ý kiến cho rằng HLV Miura không thích dùng cầu thủ có lối chơi kiểu Hoàng Anh Gia Lai, cũng có người nghĩ rằng quãng thời gian đó sẽ không quá đáng nhớ trong sự nghiệp của mình. Nhưng ngược lại, mình lại có rất nhiều ấn tượng khi được làm việc cùng thầy. Mình cảm thấy sự chuyên nghiệp rõ ràng được toát ra từ vị HLV này”, Xuân Trường nhớ lại.
Anh kể tiếp: “HLV Miura làm mọi thứ cực kỳ chi tiết và mình đã học được rất nhiều điều. Ở học viện ngày trước, khi chuyền bóng xong thì bọn mình không nhất thiết phải chạy ngay lập tức, sử dụng tốc độ để di chuyển để hỗ trợ và tạo cho người nhận bóng thêm một lựa chọn.
Còn ở U23 Việt Nam khi đó, trong bài tập chuyền bóng đầu tiên, sau khi chuyền bóng, mình đã hơi lững thững như thói quen nên đã bị mắng ngay. Đó cũng là điểm thay đổi lớn nhất trong tư duy chơi bóng của mình ở thời điểm đó. Bởi vì nếu mình di chuyển chỉ cần nhanh hơn đối thủ 1-2 bước, 1-2 nhịp thôi là kết quả đã khác rất nhiều”.
Theo cảm nhận của Xuân Trường, trước đó anh chưa từng làm việc với HLV nào nghiêm khắc và kỷ luật như ông Miura. Và chính nhờ sự rèn giũa này, Xuân Trường cho biết bản thân tiến bộ nhiều hơn về thể lực, khả năng di chuyển linh hoạt để tranh chấp bóng hai, khả năng đọc tình huống.
Đặc biệt, HLV Miura tập trung rèn thể lực cho các cầu thủ với những bài tập không quá dài nhưng có cường độ cao, đồng thời hướng tới lối chơi đơn giản. Đó cũng là lý do Xuân Trường và Văn Thanh bị nhắc nhở khi phô diễn kỹ thuật.
“Trước khi làm việc cùng ông ở U23 Việt Nam thì mình được nghe các đồng đội và truyền thông nói rằng ông rất nghiêm khắc, khó tính, lối chơi cũng rất rắn. Thậm chí nhiều trận đấu có phần thô bạo.
Tuy nhiên đến khi mình lên làm việc trực tiếp cùng ông thì thấy không thực sự là như vậy. Ông đề cao tính kỷ luật trong phòng ngự rất nhiều, còn về mặt trận tấn công thì khá phóng khoáng, không quá áp đặt việc cầu thủ phải chơi một cách rập khuôn.
Tuy nhiên, ông luôn yêu cầu các cầu thủ phải xử lý bóng đơn giản chỉ trong 1-2 chạm. Phải xử lý ngay, không dùng những động tác khó, không dùng những động tác thừa”.
Đáng chú ý, nhiều chi tiết chưa từng bật mí về thời HLV Miura và HLV Hữu Thắng cũng được Xuân Trường tiết lộ trong series này. Toàn bộ nội dung tập 6 XT6 Podcast, series Lương Xuân Trường – The Story sẽ được đăng tải trên trang cá nhân của tiền vệ 29 tuổi vào lúc 21h00 tối nay (28/2).
Rabona (còn gọi là Cú đá vắt chéo chân) được cầu thủ Argentina tên là Ricardo Infante sáng tạo ra trong những năm 40 của thế kỉ XX. Tên gọi Rabona được xuất phát từ một bước nhảy trong vũ điệu Tango của người Argentina.