Vùng Đất Tổ Phú Thọ từ bao đời nay không chỉ là nơi lưu giữ những huyền tích linh thiêng về truyền thuyết Hùng Vương, Mẫu Âu Cơ mà còn là vùng quê nổi tiếng với nét văn hóa, làng nghề hấp dẫn du khách. Hãy cùng chúng tôi khám phá 6 làng nghề truyền thống tiêu biểu nhất của Phú Thọ.
Tham khảo: 9 điểm du lịch Phú Thọ nên khám phá
1. Làng mây tre đan Đỗ Xuyên
Làng nghề mây tre đan Đỗ Xuyên nằm ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Nghề đan cót và nứa chắp có từ bao giờ không ai biết, chỉ biết rằng nó đã cứu cánh cho người Đỗ Xuyên qua bao mùa mưa lũ và trở thành nghề phụ quan trọng của cả xã.
Sản phẩm chính của làng Đỗ Xuyên hiện nay là cót với nhiều chủng loại, mẫu mã, tuỳ theo nhu cầu của khách: cót làm trần nhà; cót ép, khổ 1m x 3m hoặc 1m x 4m; cót dùng để lót hàng,…. với kích cỡ đa dạng, giá cả hợp lý. Đỗ Xuyên ngày nay có thể gọi là “làng cót” bởi nghề cót có mặt ở khắp nơi, làm giàu cho người dân nơi đây. Bên cạnh đó, có một sản phẩm vẫn miệt mài tồn tại, bất chấp sự cạnh tranh của thị trường. Sản phẩm nứa chắp của Đỗ Xuyên đã có mặt trên thị trường thế giới với các sản phẩm đĩa, bát…. các loại.
2. Làng nghề sản xuất nón lá Gia Thanh
Làng nghề nón Gia Thanh, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh bao đời nay đã làm ra Những chiếc nón lá thanh thoát, nhẹ nhàng, đã trở thành sản phẩm du lịch, là món quà độc đáo cho du khách khi đến với nơi đây. Làng có hơn 2/3 số hộ làm nghề với hàng trăm người làm nón . Đến làng Nón vào mùa nông nhàn, du khách dễ dàng bắt gặp cảnh trong nhà, ngoài ngõ các bà, các chị và các em nhỏ ngồi khâu nón, bàn tay thoăn thoắt cùng với tiếng cười nói vui vẻ, rộn rã cả xóm làng.
Không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất ra một sản phẩm thủ công truyền thống lâu đời mang tính đặc trưng, làng nghề nón Gia Thanh còn là nơi lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất và phong tục tập quán của cộng đồng, chính bởi nét độc đáo này mà những năm gần đây, làng nghề đã trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế đến với tỉnh Phú Thọ.
3. Làng nghề Chè Chùa Tà
Làng nghề chè Chùa Tà là khu hành chính 14, xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh. Nghề làm chè có từ thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, vùng đất này toàn là những đồi chè bạt ngàn. Trải qua nhiều thế hệ, người dân đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình trồng và chế biến chè.
Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự năng động của người nông dân, năng suất, chất lượng sản phẩm của làng nghề chè Chùa Tà ngày một cao, người dân Chùa Tà đã thực hiện trồng và chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap. Nhờ đó, các sản phẩm từ cây chè Chùa Tà đã có mặt trên rất nhiều tỉnh thành trong cả nước.
4. Làng nghề mộc Minh Đức,
Làng mộc Minh Đức xã Thanh Uyên – huyện Tam Nông – Phú Thọ gắn bó với nghề truyền thống trên 100 năm. Hiện nay, Làng nghề mộc Minh Đức có gần 100 cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, các thế hệ từ già tới trẻ đã và đang duy trì nghề mộc truyền thống của làng. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề này là những sản phẩm thông dụng như giường, tủ,… Không quá cầu kỳ bởi người sử dụng chủ yếu đòi hỏi về độ bền, nhưng không vì thế mà sản phẩm mộc Minh Đức mất đi vẻ đẹp đặc trưng bình dị.
Những năm gần đây làng nghề mộc Minh Đức (Thanh Uyên) đang dần phát triển theo hướng hiện đại hóa sản xuất, trước đây các công đoạn làm ra sản phẩm chủ yếu làm bằng tay thì bây giờ được thay thế bằng máy móc, thiết bị hiện đại, nhiều sản phẩm có những đường nét hoa văn tinh xảo được thể hiện phong phú, sống động qua những tấm gỗ; giúp tăng thu nhập nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm. Bằng đôi bàn tay khéo léo và tài hoa, những người thợ mộc đã cho ra đời những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ không chỉ đẹp mà còn rất bền, chắc khỏe. Những người thợ nơi đây vẫn nguyện gắn bó, giữ gìn tình yêu với nghề nhằm lưu giữ và phát triển nghề mộc truyền thống của cha ông.
5. Làng nón Sai Nga – Cẩm Khê
Làng nón bên dòng Sông Thao (xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) đã nổi tiếng từ lâu với những sản phẩm nón lá thanh tú, bình dị, bền đẹp. Ở Sai Nga, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết làm nón. Để làm ra một chiếc nón phải trải qua rất nhiều công đoạn.Về nguyên liệu làm nón thường là bằng lá cọ. Đây là nguyên liệu sẵn có ở vùng đất Cẩm Khê nói riêng và vùng quê trung du Phú Thọ nói chung.
Nón lá Sai Nga làm ra đến đâu được các thương đến tận nơi thu mua hoặc được bán tại chợ phiên của xã, và đã có mặt ở khắp các phiên chợ các tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang. Giữa hai lớp lá mỏng, người ta gài vào lòng nón những hình trổ như hình hoa lá, đôi nét kiến trúc cổ kính và đôi khi cả mấy câu thơ trữ tình, lặng thầm mà đầy thi tứ: “Bình, dị, trắng, bền là nón Sông Thao”, hay “Hỡi ai đi ngược về xuôi. Muốn đội nón đẹp thì về Sông Thao”.
6. Làng nghề Mỳ gạo Hùng Lô
Xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ từ lâu đã nổi danh là làng nghề làm bún, làm mì ngon mà nhiều khách thập phương biết đến.
Để có được những sợi mì, bún giai và ngon thì người dân nới đây có quy trình chọn gạo rất quan trọng, không lẫn tạp chấ, hạt gạo đều, to. Sau khi ngâm, gạo phải rửa thật sạch rồi cho vào máy xát thành bột khô. Khi đã có thành phẩm là bột gạo khô, mịn lúc này người thợ mới trộn bột với nước theo tỷ lệ phù hợp. Bột sau khi trộn với nước theo tỉ lệ phù hợp sẽ được đổ vào máy làm bún. Từ sợi bún trắng ngần, dai dẻo từ từ được đẩy ra, lúc này người thợ sẽ cắt thành từng đoạn ước chừng khoảng 1 cân và đặt lên giá phơi, công việc này thường được thực hiện trong khoảng thời gian sáng sớm, vì như vậy sẽ đảm bảo mì được phơi khô trong ngày.
Đình cổ Hùng Lô đã trở thành một điểm đến không thể thiếu khi du khách về với thành phố Việt Trì, tại đây làn điệu Xoan lại vang lên như đang diễn tả cuộc sống bình dị của người dân. Với những làng nghề gia truyền, đặc biệt là nghề làm mì đã tạo nên nét riêng cho Hùng Lô.Mỳ gạo Hùng Lô hôm nay đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường, đưa sản phẩm không ngừng vươn xa, được nhiều người tiêu dùng đón nhận.