Chè đậu ván từ lâu đã là một món ăn nổi tiếng của vùng đất kinh thành Huế, mang hương vị béo ngậy của nước cốt dừa cùng vị ngọt bùi của đậu ván chắc mẩy. Và bài viết hôm nay, Cet.edu.vn sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu chè đậu ván ngon ngọt chuẩn vị cố đô Huế nhé!
Mặc dù các món chè là đặc sản nổi tiếng của xứ Huế, trong đó có món chè đậu ván nhưng để thưởng thức được hương vị này không nhất thiết phải đến với Huế đâu nhé! Bởi với công thức nấu chè đậu ván được làm từ nguyên liệu đơn giản và dễ dàng sau đây là bạn có thể có được món ăn đúng vị rồi đấy!
Cách chọn đậu ván
Chọn những hạt đậu ván vừa, tròn đều, có màu vàng tự nhiên.
(Ảnh: Internet)
Để món chè đậu ván ngon đúng chuẩn, bạn nên chọn loại đậu ván ta, là loại đậu có hạt ván vừa, tròn đều, có màu vàng tự nhiên, khi sờ vào hạt đậu khô không bị ẩm. Bạn không nên chọn loại đậu hạt méo hoặc bị sâu và có màu vàng ngả xám. Để đảm bảo chất lượng bạn có thể mua đậu trong những siêu thị lớn.
Cách làm
Nguyên liệu chè đậu ván
- 400g đậu ván
- 200g đường
- 100g bột năng
- 3 chiếc lá dứa
- Dừa nạo
- 200ml sữa tươi không đường
Chè đậu ván béo ngậy, thơm ngon (Ảnh: Internet)
Cách nấu
Bước 1: Sơ chế và nấu đậu ván
Đậu ván khi mua về bạn đem rửa và đãi sạch, nhặt bỏ hết hạt bị hư, mốc hoặc hạt lép. Sau đó, đem đậu ngâm với nước khoảng 8 tiếng hoặc tốt nhất là ngâm qua đêm để hạt đậu nở to mềm. Đây chính là bí quyết để món chè đậu ván thơm ngon, chín mềm và không bị nát. Tiếp theo, khi ngâm xong, bạn đổ đậu ván ra rổ, dùng tay chà xát để loại bỏ lớp vỏ bên ngoài, rồi đãi sạch vỏ, và để ráo đậu.
Bạn cho nồi lên bếp, cho đậu ván vào và tiến hành hấp cách thủy khoảng 30 phút. Hoặc bạn cũng có thể nấu đậu bằng nồi cơm điện nếu không có nồi hấp.
Bước 2: Chuẩn bị những nguyên liệu khác
Bạn đem bột năng hòa với nước và khuấy đều cho đến khi bột tan hoàn toàn, không bị vón cục.
Cho nồi lên bếp, cho khoảng 2 lít nước vào nồi và đun sôi, rồi cho lá dứa đã rửa sạch, cắt khúc vào. Sau đó, bạn cho thêm đường vào và đun sôi, khuấy đều đến khi đường tan hết là được.
Bạn đem dừa đã bào thành sợi cho vào tô, cho thêm ít nước nóng rồi nhào bóp và vắt lấy nước cốt dừa để riêng. Lưu ý, bạn nên nhào mạnh tay để phần bã dừa được vắt sạch.
Bước 3: Nấu nước chè
Khi nồi nước đường để nấu chè nấu khoảng 10 phút và đã lan tỏa hương thơm của lá dứa, thì bạn vớt hết lá dứa ra ngoài, rồi nêm nếm vị cho ngọt vừa với vừa khẩu vị. Tiếp theo, bạn đổ từ từ phần bột năng vào, vừa đổ vào vừa khuấy đều tay đến khi thấy nước chè đặc sánh thì bạn dừng lại.
Lưu ý: Nếu bạn muốn món chè đậu ván không bị đặc sánh hoặc muốn đặc sánh hơn nữa, bạn có thể tăng hoặc giảm bớt lượng bột năng.
Bước 4: Nấu nước cốt dừa
Bạn cho nước cốt dừa đã vắt vào nồi, nấu sôi. Tiếp theo, bạn cho 100ml sữa tươi không đường cùng 1 ít bột năng và 2 ống vani vào, khuấy đều lên. Nêm nếm với ít đường và ít muối để có vị hài hòa. Nấu đến khi nước cốt dừa sôi lần nữa thì tắt bếp, để nguội.
Bước 5: Hoàn thành
Sau khi đậu ván chín, bạn cho đậu ván vào nồi nước đường lá dứa, đảo nhẹ tay để không làm hạt đậu bị nát. Sau đó, bạn múc chè ra từng ly nhỏ, rồi cho phần nước cốt lên trên là có thể thưởng thức được rồi đấy!
Với món chè đậu ván này, bạn có thể ăn khi còn nóng hoặc lạnh đều được. Nếu ăn lạnh, bạn có thể cho chè vào ngăn mát tủ lạnh hoặc cho thêm ít đá bào vào chè là được.
Chè đậu ván có thể dùng nóng hoặc lạnh đều ngon (Ảnh: Internet)
Yêu cầu thành phẩm của món chè đậu ván
Chè đậu ván ngọt vừa, có độ sánh vừa phải, có hương thơm hấp dẫn.
Đậu ván chín mềm, ngấm đều và hòa quyện với lớp nước cốt dừa bép ngậy. Đây cũng chính là yếu tố làm nên hương vị đặc trưng của món chè nức tiếng cố đô Huế.
Chè đậu ván có nhiều đường nên các bạn không nên bảo quản trong tủ lạnh quá lâu sẽ làm cho đậu cứng khiến món chè không ngon.
Với cách làm chè đậu ván ngon béo như trên đây, các bạn có thể thực hiện tại gia và mang đến cho người thân hương vị của vùng đất kinh kỳ rồi đấy! Chúc các bạn thành công.