BVĐK Tâm Anh nhận danh hiệu Thành tựu y khoa Việt Nam với “Phác đồ giờ vàng”.

Phác đồ giờ vàng của BVĐK Tâm Anh được vinh danh Thành tựu y khoa Việt Nam - Ảnh 1.

Phác đồ giờ vàng được vinh danh Thành tựu y khoa Việt Nam. Ảnh: Ban tổ chức

Theo TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM, phác đồ “giờ vàng” là tổng thể nhiều kỹ thuật y khoa cao cấp được thực hiện trong 60 phút đầu đời, ngay tại phòng sinh để cứu sống và chăm sóc y tế cho trẻ sinh non và rất non từ 24 tuần tuổi. Phác đồ bao gồm các yếu tố, như kẹp rốn muộn, phòng ngừa hạ thân nhiệt, truyền tĩnh mạch duy trì đường huyết sau sinh, phòng nhiễm khuẩn huyết, hỗ trợ hô hấp với phương pháp không xâm lấn, cụ thể là thở không xâm lấn (CPAP) tại phòng sinh và liên tục đến khi nhập Hồi sức sơ sinh (NICU) cho nhóm trẻ sinh rất non…

Nghiên cứu của TS.BS Cam Ngọc Phượng theo dõi 75 trẻ sinh non có tuổi thai trung bình từ 27,5 – 28 tuần đã được điều trị thành công trong hai năm 2021 – 2022, khi áp dụng phác đồ “giờ vàng”, tỷ lệ trẻ phải đặt nội khí quản giảm từ 62,5% còn 26% và chi phí điều trị giảm khoảng 30% – 40%.

“Nhiều bé chào đời tiên lượng chỉ còn 5-10% cơ hội sống. Nhờ có sự hỗ trợ của hệ thống máy thở mới cùng trang thiết bị hiện đại, ê kíp bác sĩ có kinh nghiệm nuôi sống nhiều trẻ sinh non mắc bệnh nặng được hồi sinh”, TS.BS Cam Ngọc Phượng chia sẻ.

Phác đồ giờ vàng của BVĐK Tâm Anh được vinh danh Thành tựu y khoa Việt Nam - Ảnh 2.

Cận cảnh hồi sức cứu trẻ sinh non bằng phác đồ giờ vàng. Ảnh: BV Tâm Anh

Chị Thoa (31 tuổi, TP.HCM) mang thai quý sau thụ tinh ống nghiệm. Ở tháng thứ 6 thai kỳ, chị phát hiện cao huyết áp mạn tính kèm tiền sản giật, chuyển đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM điều trị, truyền magie sulfat ngừa co giật, thuốc hạ huyết áp song không thể kiểm soát. Tuần thai 28, tình trạng tiến triển nặng, toàn thân thai phụ bị phù, khó thở, huyết áp 200/120mmHg, kết quả xét nghiệm phát hiện suy gan, thận, nguy cơ cao tử vong cả mẹ và thai. Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ, mổ sinh cấp cứu.

Bé chào đời tím tái không thở, được hồi sức ngay trên bụng mẹ, cắt rốn chậm, ủ ấm và thở oxy không xâm lấn. Em bé vượt qua nguy kịch được nuôi trong lồng ấp hiện đại, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm không khí và ánh sáng phù hợp. Bé được thở áp lực dương liên tục (CPAP) đường thở thông thoáng, hô hấp nhẹ nhàng thay vì máy thở kéo dài có thể gây hại cho phổi. Sau ba tháng nuôi dưỡng, bé khỏe mạnh xuất viện vào tháng 2/2024, từ cân nặng 900 gram lúc mới sinh tăng lên 2,4 kg.

Trường hợp khác, bé Bảo Ngọc chào đời vào tháng 10/2023, ở tuổi thai 28 tuần 5 ngày, nặng 1,2 kg, được áp dụng phác đồ giờ vàng. Sau hai tháng điều trị, bé nặng 2,65 kg, xuất viện vào tuần thứ 37. Hiện bé 4 kg, khỏe mạnh như em bé sinh đủ tháng.

Đây là hai trong số hàng trăm trường hợp trẻ sinh non và cực non được hồi sinh nhờ nhờ phác đồ giờ vàng áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Hơn ba năm triển khai tại Hệ thống bệnh viện Tâm Anh, phác đồ “giờ vàng” cứu sống hàng trăm trẻ sinh non, giảm các nguy cơ biến chứng do chào đời non tháng như suy hô hấp, viêm phổi, loạn sản phế quản phổi; viêm ruột, hoại tử ruột, nhiễm trùng máu, tụt huyết áp; chậm phát triển, hệ miễn dịch kém; kém phát triển về thị giác, thính giác; bại não, xuất huyết não và dễ đối diện với hội chứng đột tử trẻ sơ sinh.

Phác đồ giờ vàng của BVĐK Tâm Anh được vinh danh Thành tựu y khoa Việt Nam - Ảnh 3.

BS Cam Ngọc Phượng khám cho con chị Thoa trước xuất viện. Ảnh: Tuệ Diễm

Mặc dù, phác đồ can thiệp 60 phút đầu sau sinh, song thực tế bệnh viện chủ động triển khai trước sinh bằng thuốc hỗ trợ phổi, magie sulfat để bảo vệ não của thai nhi. Do đó, để thực hiện phác đồ “giờ vàng”, bệnh viện cần xây dựng các đội “giờ vàng” gồm bác sĩ Sản khoa, Sơ sinh, nữ hộ sinh, đội ngũ điều dưỡng sơ sinh kinh nghiệm.

“Hồi sức sơ sinh là ngành phát triển rất nhanh. Do đó, chúng tôi không ngừng cập nhật để nâng cao chuyên môn trong thực hành lâm sàng, mang đến cơ hội sống, sống khỏe mạnh nhiều hơn cho trẻ sinh non. Hiện chúng ta có thể thực hiện được các kỹ thuật chăm sóc chuyên sâu ở mức độ cao nhất, ngang tầm với các nước trong khu vực, dành cho những trẻ sinh rất non ở tuổi thai 23-24 tuần, rất nhẹ cân (dưới 1 kg)”, TS.BS Cam Ngọc Phượng nói, thêm rằng chuyên ngành Sơ sinh ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tiệm cận với sự phát triển của y học thế giới. Đội ngũ nhân viên y tế không ngừng cập nhật kiến thức mới, phác đồ điều trị mới, nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả điều trị.

GS.TS.BS Ngô Minh Xuân – Chủ tịch Liên chi Hội Chu sinh và Sơ sinh TP.HCM, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đánh giá, phác đồ giờ vàng với điểm nhấn sử dụng phương pháp thở không xâm lấn (CPAP) sớm tại phòng sinh là một trong những bước quan trọng ngay sau sinh giúp trẻ sinh non và rất non giảm suy hô hấp, cải thiện được dư hậu sau sinh, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ có nguy cơ, mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho cộng đồng, giảm chi phí cho gia đình và xã hội.

“Phác đồ giờ vàng là sự đổi mới về tư duy, cập nhật kỹ thuật hiện đại trong điều trị trẻ sinh non và rất non”, Giáo sư Xuân nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm các bác sĩ sơ sinh hiện nay đang áp dụng vào bệnh viện, sắp tới có thể triển khai huấn luyện cho tuyến tỉnh, tuyến dưới để có thể cứu sống được nhiều trẻ sinh non.

Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *