Phú Yên là tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung bộ, một vùng đất có bề dày lịch sử – văn hóa, có vị trí rất quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Phú Yên có nhiều Di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, danh lam thắng cảnh…cùng với nét văn hóa làng nghề hấp dẫn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 6 làng nghề truyền thống ở Phú Yên hấp dẫn và độc đáo.
1. Làng nghề dệt chiếu Phú Tân
Làng nghề dệt chiếu Phú Tân nằm ở thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, từ xa xưa nơi đây đã có nghề dệt chiếu với thời gian khoảng hằng trăm năm. Nghề dệt chiếu Phú Tân chủ yếu là do phụ nữ và trẻ em làm, còn đàn ông thì làm ruộng, làm rẫy.
Trước kia người dân nơi đây thường dệt thủ công, ngày nay nhiều nhà đã đầu tư máy móc để chuyên môn hóa hơn, nhằm ổn định chất lượng sản phẩm, giúp các cơ sở sản xuất tạo ra được những sản phẩm mới lạ với nhiều hoa văn đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm của làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân tiêu thụ mạnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên và mở rộng tiêu thụ tại thị trường các tỉnh bạn.
2. Làng nghề chế biến nước mắm Gành Đỏ
Làng nghề chế biến nước mắm Gành Đỏ nằm ở thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, Tỉnh Phú Yên là làng nghề làm nước mắm nổi tiếng được nhiều người trong Nam ngoài Bắc biết đến. Con cá cơm ở vùng biển Tuy An, Sông Cầu vào mùa, không hiểu do con nước hay vì lý do nào khác mà khi ủ mắm, tạo nên mùi thơm rất riêng của nước mắm Gành Đỏ.
Đến với nơi đây bạn sẽ gặp những lò sản xuất nước mắm với cái tên gọi vô cùng bình dân như nước mắm Tân Lập, nước mắm Bà Mười, Nước mắm Ông Già- Man Thượng, nước mắm ông già- Biện Bửu Thành. Mỗi hộ gia đình đều có bí quyết, công thức làm nước mắm riêng, nhưng điều đáng trân trọng họ thống nhất cùng xây dựng một thương hiệu chung đó là nước mắm Gành Đỏ, để tạo nên một thường hiệu làng nghề chung, bền vững và phát triển theo thời gian.
3. Làng nghề bánh tráng Hòa Đa
Làng nghề Hòa Đa thuộc xã An Mỹ (huyện Tuy An) nằm cạnh quốc lộ 1A, cách thị xã Tuy Hòa khoảng chừng 15km. Người làm bánh tráng ở Hòa Đa có bí quyết gia truyền, kinh nghiệm riêng nên sản phẩm làm ra hết sức độc đáo, hấp dẫn đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Bánh tráng Hòa Đa ăn rất ngon miệng, khi nhúng bánh vào nước không bị dính, khi cuốn không không bị rách, mềm dẻo. Từ lâu bánh tráng Hoà Đa được coi như một món quà đặc sản dân dã. Người nông thôn bọc gói cẩn thận làm quà biếu tặng cho người thân của mình để thể hiện tình cảm, ơn nghĩa. Nó đơn giản thế nhưng giá trị lại nặng nghĩa tình. Đối với người Phú Yên, bánh tráng Hoà Đa đã trở thành đặc sản, gây dấu ấn của một vùng quê nằm lọt thỏm giữa lòng miền trung.
4. Làng nghề đan thúng chai Phú Mỹ
Nghề đan thúng chai Phú Mỹ là nghề truyền thống lâu đời nghề làm thúng chai đòi hỏi sự công phu hơn bất cứ nghề nào khác, đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo, khỏe mạnh, có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt.
Làng nghề đan thúng chai Phú Mỹ được làm từ loại tre tại Phú yên nên chịu nước rất tốt và độ dẻo cao, không bị giòn gãy khi đan.
Bên cạnh đó những người thợ đan thúng chai ở đây lận thúng bằng kĩ thuật hầm đất, tức là đào một hầm dưới đát rồi lấy đó làm khuôn. Cũng bởi vì thế mà thúng chai Phú Mỹ dễ di chuyển, cân bằng nên được ngư dân nhiều nơi tin dùng. Nghề đan thúng chai ở Phú Mỹ đã hình thành từ lâu, nhiều người xem đây là nghiệp gắn với nghiệp đi biển. Nghề được truyền dạy từ đời này qua đời khác, vừa là công ăn việc làm vừa là cái nghề gắn bó, tạo nên một nếp sống với người dân Phú Mỹ. Không chỉ nổi tiếng trong nước, hôm nay sản phẩm thúng chai Phú Mỹ còn xuất sang nước ngoài. Sự khiêm tốn giản dị nhưng với bao người lao động cần mẫn qua ngày tháng, một cách thầm lặng không chỉ đưa sản phẩm đan thúng chai đi xa, mà còn góp phần không nhỏ, khiến làng nghề trở thành điểm du lịch mới, hấp dẫn du khách mọi miền đến tham quan, mỗi khi có dịp dừng chân ở Phú Yên.
5. Làng Nghề Trồng dâu, Nuôi tằm Mỹ Thạnh Tây
Làng Nghề Trồng dâu, Nuôi tằm Mỹ Thạnh Tây ở thôn Mỹ Thạnh Tây (xã Hòa Phong, Tây Hòa) đã tồn tại hơn 30 năm và được nhiều người biết tới. Nghề trồng dâu nuôi tằm bằng hình thức thủ công đã xuất hiện ở đây từ những năm kháng chiến chống Pháp, Với tính chịu thương, chịu khó, cần cù cộng với kinh nghiệm lâu năm, giờ đây người dân Mỹ Thạnh Tây thật sự an tâm với nghề.
Nhờ nghề nuôi tằm giúp người dân Mỹ Thạnh Tây có thu nhập ổn định, thoát khỏi khó khăn, nghèo khó, trở nên khấm khá. Về thăm làng nghề, mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi phòng khách của những gia đình nơi đây không để tiếp khách mà thay vào đó là dành riêng nuôi tằm. Đến đây ngoài khám phá làng nghề, du khách còn có thể thưởng thức rượu tằm Hòa Phong là một sản phẩm khá độc đáo của nơi đây.
6. Làng Nghề Rượu Quán Đế
Trải qua bao giai đoạn thăng trầm, Nghề nấu rượu mang thương hiệu Quán Đế ở TX Sông Cầu vẫn được nhiều gia đình gìn giữ như một nghề gia truyền. Rượu được người dân nấu bằng phương pháp thủ công, Trải qua thời gian, sản phẩm rượu Quán Đế vẫn còn giữ nguyên những nét đặc trưng riêng của nó.
Rượu Quán Đế có nồng độ cao, mùi thơm đặc trưng, nếu hòa với nước dừa xiêm thì sẽ cho ra một thức uống nhẹ, dịu ngọt, hơi nồng nồng để thết đãi chị em phụ nữ…Rượu đặc sản Quán Đế là món quà không thể thiếu dành cho du khách gần xa, nó sẽ là thức uống ngon, có lợi cho sức khỏe và đậm đà hương vị Phú Yên, là một món qùa vô cùng có ý nghĩa đối với du khách khi đến thăm Phú Yên.